Bạo lực học đường - hiện tượng xã hội không mới, song thời gian gần đây, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng.Các vụ việc đều bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ nhặt trong học tập, sinh hoạt và tham gia mạng xã hội giữa các em học sinh nhưng không được phát hiện, uốn nắn, xử lý kịp thời. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên chủ yếu là do: Một số học sinh lười học tập, rèn luyện, sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu hụt kỹ năng sống; ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, game online, văn hóa phẩm đồi trụy; một số cơ sở giáo dục và gia đình chưa quan tâm đúng mức, chưa thật sự gần gũi nắm bắt tâm tư, mối quan hệ, sinh hoạt của con em mình; phương pháp quản lý, giáo dục chưa phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi học sinh;…
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.
* Đối với gia đình:
- Xây dựng gia đình hạnh phúc, thật sự là tổ ấm, điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của trẻ.
- Nêu gương về lối sống lành mạnh, văn hóa; luôn gần gũi, thấu hiểu, tôn trọng, chia sẻ tâm tư, tình cảm, đồng hành với con trên con đường hình thành và phát triển nhân cách; kịp thời phát hiện, định hướng giúp con giải quyết mâu thuẫn bằng phương pháp phù hợp nhất.
- Quan tâm giáo dục trẻ về giá trị sống, văn hoá ứng xử, sử dụng mạng xã hội.
- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các thầy cô trong quản lý, giáo dục con em mình.
* Đối với cơ sở giáo dục:
- Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hoá, kỹ năng giao tiếp ứng xử; sử dụng mạng xã hội; chăm lo bồi đắp, nuôi dưỡng tình thầy trò, tình bạn đẹp trong các nhà trường.
- Thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm; từ đó phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời bạo lực học đường. Tăng cường nắm tình hình qua tham gia, tương tác với học sinh trên mạng xã hội.
- Thường xuyên trao đổi thông tin, xây dựng và duy trì tốt hệ thống phòng ngừa liên hoàn ba môi trường: Gia đình - nhà trường - xã hội.
* Đối với mỗi em học sinh:
- Vun đắp lý tưởng sống, ước mơ, hoài bão, mục tiêu, động cơ phấn đấu trong sáng, cao đẹp; tự giác trau dồi, rèn luyện đạo đức, lối sống văn hoá, lành mạnh, kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh, thanh lịch, kính thầy, yêu bạn. Tích cực tham gia các hoạt động lành mạnh, bổ ích như xã hội từ thiện, văn hoá, văn nghệ, thể thao do Nhà trường và các cấp bộ Đoàn, Đội tổ chức.
- Nắm vững và tự giác chấp hành tốt nội quy, quy định của trường, lớp; xác định rõ trách nhiệm đối với mọi việc làm của bản thân.
- Nhận diện, lên án, phê phán, tránh xa, nói không với bạo lực học đường; lựa chọn các mối quan hệ xã hội, bạn bè trong sáng, lành mạnh; tránh xa thông tin xấu độc, trở thành người sử dụng Internet và mạng xã hội thông minh, có văn hoá.
- Học kỹ năng tự bảo vệ, tự giải thoát khi bị rơi vào các tình huống bạo lực học đường, tránh hậu quả xấu xảy ra. Khi phát hiện bạo lực học đường, tuyệt đối không cổ suý, hùa theo; đồng thời, tìm cách can ngăn và báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan Công an gần nhất biết, có biện pháp giải quyết.
* Đối với cộng đồng xã hội:
- Cùng nhau lên tiếng, tạo thành dư luận xã hội rộng khắp lên án, phê phán hành vi bạo lực học đường.
- Mỗi người cần sống và làm việc theo pháp luật, nêu gương về đạo đức, lối sống, ứng xử văn hoá, văn minh, nhất là trong tham gia mạng xã hội; thương yêu, giúp đỡ mọi người, tạo môi trường xã hội lành mạnh cho sự phát triển của thế hệ trẻ.
- Khi phát hiện bạo lực học đường, cần tìm cách vận động mọi người xung quanh cùng lên án, can ngăn; đồng thời báo ngay cho nhà trường, Công an cơ sở để giải quyết kịp thời.